Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 quy định khá đầy đủ về hoạt động giám sát của HĐND như: nội dung, hình thức, đối tượng giám sát, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát... Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Cà Mau đã thực hiện khá tốt hoạt động giám sát. Hàng năm, HĐND đều xây dựng chương trình giám sát trên cơ sở thu thập, tổng hợp các thông tin và lấy ý kiến của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ. Nội dung giám sát luôn đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên đề, tập trung nhất là những lĩnh vực, những nơi đang gặp khó khăn hoặc những vấn đề mới phát sinh, mang tính bức xúc xảy ra ở địa phương. Ngoài ra, còn thực hiện tốt công tác phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ và các ngành hữu quan trong hoạt động giám sát; phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh với Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện. Qua giám sát đã nắm rõ thêm tình hình, những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của HĐND, từ đó đã kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh giám sát tại địa phương

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được từ sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND trong việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của cơ quan chức năng ở địa phương và từ tinh thần trách nhiệm của những cơ quan chức năng trong việc tiếp thu và nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của HĐND, thì vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện, chậm thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đạt yêu cầu những kiến nghị của HĐND. Trong giám sát, có những cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo chưa đúng yêu cầu của đoàn giám sát, chậm báo cáo hoặc báo cáo hình thức, qua loa, (nhất là đối với những đơn vị đoàn không tổ chức giám sát trực tiếp mà chỉ giám sát qua văn bản báo cáo), từ đó ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của HĐND. Bên cạnh đó, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện các kiến nghị và cũng không báo cáo kết quả để Thường trực HĐND trả lời với người khiếu nại. Trên thực tế, không ít kiến nghị của HĐND bị “lãng quên”, khi Thường trực HĐND đôn đốc, nhắc nhở, thì sự “lãng quên” ấy được viện dẫn bằng nhiều lý do khó khăn để chậm thực hiện…

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kiến nghị của HĐND. Một số quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 một số điều luật còn quy định chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể và cũng không quy định các chế tài, biện pháp xử lý đối với những trường hợp như đã nêu trên.

Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động giám sát không chỉ là sự nỗ lực của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, mà hiệu quả giám sát còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của UBND và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, để hoạt động giám sát đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ Quốc hội nên sớm ban hành Luật Giám sát của Hội đồng nhân dân, quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan